Tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu dừa

Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ tiêu thụ dừa và các sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu, trước tình hình giá dừa giảm mạnh, để giúp người nông dân trong tỉnh ổn định cuộc sống trong bối cảnh giá xăng dầu, phân bón… tăng cao, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ tỉnh Bến Tre đẩy mạnh tiêu thụ dừa và các sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nói chung và doanh nghiệp dừa nói riêng thông tin về đăng ký tham dự các đoàn giao dịch thương mại tại các nước.

Tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm dừa

Cụ thể như tham gia Đoàn giao dịch thương mại tại Thỗ Nhĩ Kỳ và Israel tổ chức vào tháng 11/2022; tại Nam Phi vào tháng 9/2022; tại Ấn Độ và Pakistan vào tháng tháng 7 năm 2022; đoàn xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường các tỉnh vùng Kansai, Nhật Bản vào tháng 7 năm 2022; hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam- Algeria 2022 vào tháng 7 năm 2022…

Tỉnh Bến Tre đề xuất hỗ trợ tiêu thụ dừa và các sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa: Công Trí - TTXVN
Tỉnh Bến Tre đề xuất hỗ trợ tiêu thụ dừa và các sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa: Công Trí – TTXVN

Qua đó, giúp doanh nghiệp có điều kiện gặp gỡ và làm việc với một số nhà phân phối lớn tại các thị trường nước ngoài nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, Sở Công Thương Bến Tre triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm dừa sang Trung Quốc thực hiện đăng ký theo quy định tại Lệnh số 248 về quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài của Trung Quốc.

Cùng với đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo thương mại điện tử xuyên biên giới vào đầu tháng 8/2022 để xúc tiến thương mại các sản phẩm dừa, đẩy mạnh xuất khẩu.

Song song với việc hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương Bến Tre còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và doanh nghiệp ngành dừa nói riêng tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước thông qua tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh.

Mặt khác, Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch và mời gọi đầu tư các dịch vụ logictics, kho bãi, bảo quản, cấp đông các sản phẩm từ dừa; thực hiện các chương trình khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nâng cao giá trị sản phẩm từ dừa, hạ giá thành sản phẩm.

Theo Sở Công Thương Bến Tre, hiện tại, thị trường xuất khẩu của một số sản phẩm từ dừa như nước dừa, nước cốt dừa, sữa dừa,…sang các thị trường Bắc Mỹ và EU khá tốt nên các doanh nghiệp mua dừa hữu cơ trong vùng nguyên liệu đã liên kết cao hơn các hộ dân bán dừa không có liên kết, khoảng 10.000-15.000 đồng/chục.

Giá trị xuất khẩu của dừa tươi tại Việt Nam

Tuy nhiên, đi kèm theo đó là sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn rất khắt khe về an toàn thực phẩm, sản phẩm xuất khẩu phải xanh – sạch – đẹp. Bởi vậy, việc phát triển trồng dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh là tất yếu để nâng cao chất lượng, giá trị trái dừa, góp phần xây dựng thương hiệu trái dừa Bến Tre, phục vụ nhu cầu càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Bé Sáu cho rằng, xuất phát từ nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc cũng phải thay đổi để thích ứng và tồn tại. Tuy nhiên, nếu so với diện tích dừa toàn tỉnh thì diện tích dừa hữu cơ hiện tại trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn (chiếm 20,7% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh), chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Bến Tre là thủ phủ dừa của cả nước với diện tích hơn 77.000 ha, sản lượng hơn 650 triệu trái/năm. Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt trên 350 triệu USD, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, hiện giá bán dừa khô trên địa bàn tỉnh giảm rất mạnh, thu nhập người dân trồng dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Sở Công Thương Bến Tre, nguyên nhân giá dừa xuống thấp chủ yếu do giá bán trái dừa phụ thuộc vào nhiều phụ phẩm như vỏ dừa, nước dừa, gáo dừa… Thế nhưng, hiện tại giá bán các phụ phẩm này giảm nhiều, như nước dừa hiện giờ chỉ còn 15.000 – 20.000 đồng/thùng 30 lít (trước đây cao điểm có lúc là 130.000 đồng/thùng); gáo dừa chỉ còn 1.000 đồng/kg (trước đây là 3.500 đồng/kg)…

Các sản phẩm như chỉ xơ dừa, thạch dừa gần như không xuất khẩu được. Hơn nữa, giá xăng dầu lên cao ảnh hưởng đến chi phí logistic, làm tăng giá thành và giá bán sản phẩm.Nếu như trước đây chỉ xơ dừa Bến Tre xuất khẩu trung bình từ 55.000-65.000 tấn/năm sang Trung Quốc nhưng hơn 2 năm gần đây chỉ xuất khẩu từ 40.000-45.000 tấn/năm. Riêng trái dừa khô (dừa hột) xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hơn phân nửa; thạch dừa và kẹo dừa xuất khẩu qua Trung Quốc sản lượng xuất khẩu cũng giảm gần 2/3…

Để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm từ dừa trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân chuyển sang canh tác vườn dừa theo hướng hữu cơ và tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo thành vùng nguyên liệu lớn, chất lượng đồng nhất phục vụ chế biến và xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, châu Âu,… nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm từ dừa, ổn định cuộc sống cho người nông dân trồng dừa./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *